ISET xin chia sẻ lại bài viết của anh Phil Le.
Nỗi sợ học tiếng Anh có lẽ là thứ đầu tiên cản bước bạn trên con đường định cư Canada. Trong hầu hết các thể loại định cư, bạn đều phải đáp ứng được yêu cầu về IELTS (hoặc tiếng Pháp, nhưng ở đây chúng ta chỉ nói đến ngôn ngữ phổ biến hơn ở Việt Nam):
- Học Cao đẳng hay Đại học: IELTS 6.0 - 6.5
- Học chương trình Sau đại học hoặc Thạc sĩ: IELTS 6.5 - 7.5
- Diện lao động và đầu tư: IELTS 5.0 - 6.0
- Nộp hồ sơ xin PR: IELTS 7.0 (không kĩ năng nào dưới 7.0)
Duy nhất chỉ con đường thưo vợ, theo chồng là không cần IELTS nhưng bạn có chịu nổi cảnh chỉ ở ru rú trong nhà không. Để hoà nhập vào cộng đồng, và có cơ hội làm việc tại đất nước với ngôn ngữ chính là tiếng Anh, bạn nhất định phải rèn luyện tiếng Anh để tối ưu cánh cửa cơ hội của mình. Ví dụ nếu bạn xui xẻo, dày công tu luyện ngày đêm mà vẫn không được di cư sang Canada, thì kho kiến thức khổng lồ đó cũng đủ nuôi sống bạn ở Việt Nam với một công việc ổn định. “Ở Việt Nam, ai mà giỏi tiếng Anh thì mặt mày lúc nào cũng sáng sủa hết cả”.
Vì thế, mình sẽ chỉ các bạn một số lỗi mà các bạn học tiếng Anh thường hay mắc phải để soi sáng cho những quyết định thấu đáo hơn trong quá trình học tiếng Anh.
1- Học ở Canada sẽ mau tiến bộ hơn
Mặc dù mình đang là giáo viên IELTS tại Canada, nhưng lời khuyên của mình lại muốn các bạn ở Việt Nam học tiếng Anh. Cố gắng đạt IELTS ít nhất từ 6.0 hoặc 6.5 ở Việt Nam sẽ có lợi về nhiều mặt.
OK mình đồng ý rằng bạn có thể có môi trường giao tiếp tốt hơn tại Canada, nhưng những tình huống giao tiếp này toàn là ngôn ngữ xã hội căn bản, khác hoàn toàn với ngôn ngữ học thuật trong bài thi IELTS. Do đó, bạn sẽ không cải thiện đươc điểm IELTS của mình là bao khi cứ nghĩ theo cách này. Có thể bạn sẽ không thi Academic, mà là General, thì không sử dụng được các từ vựng cấp cao hoặc câu ghép phức tạp thì cũng rớt như thường. Chưa nói đến việc bạn còn phải đi làm thêm, thì thời gian đâu mà luyện tập.
Trong khi đó, một khoá tiếng Anh ở Canada cũng đâu đó tầm $3000-$4000/ lớp, khoảng 5-7 buổi. Học cho xong để vào được khoá chính thì cũng ngốn kha khá tiền. Mốt số bạn qua Canada 2 năm rồi vẫn học ESL (khoá học được cung cấp bởi các trường giúp bạn chuyển tiếp vào khoá chính). Thực hiện một phép so sánh, với $4000 đó bạn ôn tại Việt Nam cũng khoảng 6 - 12 tháng là đủ đạt IELTS 6.5 (trường hợp thanh niên nghiêm túc nhé), bạn hoàn toàn có thể sống ở Canada trong những ngày đầu suôn sẻ (tránh tình trạng shock ngôn ngữ và bỡ ngỡ).
2- Học sao nổi IELTS khi căn bản không có
“The beginning is alwways the hardest”, rõ rằng là như thế, bước đầu gian nan nhưng đừng nản, về sau sung sướng hưởng dài dài. Nếu bạn kiên trì, luyện tập IELTS thường xuyên, thì con đường tương lai chắc chắn sẽ dang rộng hơn cho bước chấn bạn. Có anh học trò mình dạy mất căn bản thuộc dạng chắc số 0 luôn, nhưng có cố gắng, có thành công, vẫn thi được IELTS 7.0 đủ yêu cầu nộp hồ sơ. Mình có hay để tài liệu free trong Group IELTS, nhiều người mò theo thấy cũng có kết quả. Nên nhớ, đừng đầu hàng trước khi làm, thua như vậy hèn lắm, hãy làm, vượt qua tâm lý, vững tin trước rồi gì tới thì tới, tính sau.
3- Sáng học từ vựng, chiều nhìn lại thấy “lạ quá”
Ý mình là, các bạn cảm thấy khó nhớ từ vựng quá. Xem lại cách học của chúng ta từ trước giờ, có phải là học từng từ rồi dịch sang tiếng Việt đúng không? Với kinh nghiêm dạy IELTS lâu năm, mình khuyên các bạn nên học thêm cụm từ thì sẽ hữu dụng hơn. Ví dụ khi bạn đọc bài báo, nghe từ bài nhạc thì lưu lại câu đó, cụm từ đó mà dùng thì sẽ dễ nhớ hơn. Điều này còn giúp bạn vận dụng tốt trong bài thì Viết và Nói trong IELTS nữa.
Ví dụ: Physical wellness ~ Healthiness (mạnh khoẻ) / Metal abilities ~ Intellectual power = cognitive development (hoạt động trí óc). Khi viết hay nói mà liên quan đến trẻ em, lợi ích của việc này việc nọ mình đều áp dụng ngay vào, dần dần sẽ tạo thành thói quen và nhớ rất kĩ.
Bên cạnh nữa là, học nhưu vậy còn giúp bạn dùng đúng collocation hơn khi sử dụng cả cụm như vậy. À, collocation có nghĩa là cách kết hợp từ của người bản xứ. Ở Việt Nam, chúng ta nói “con chó mực” hay “con ngựa ô”, hai con này đều đen nhưng chắc bạn sẽ không dùng ngược lại “con ngựa mực” hay “con chó ô” đâu hé. Nó là vậy đó. Luôn nhớ là Knowing and Doing là đi cùng nhau. Tiếng Việt có thành ngữ “học đi đôi với hành” thì tiếng Anh họ nói “ Use it or lose it”.
4- Ngữ pháp nhiều, nhưng không biết cách sử dụng
Lỗi hay gặp nhất là mấy bạn học ngữ pháp nhiều, phức tạp nữa chứ mà lại không sử dụng thành thạo được thậm chí là các ngữ pháp căn bản thì mất điểm trong IELTS là cái chắc. Để học được câu phức tạp, bạn phải rành rọt từng ngữ pháp cơ bản và áp dụng thật nhuần nhuyễn trước đã.
Mình không nghiêng về vấn đề giao tiếp tiếng Anh giỏi hay không nhé, vì đó nằm ở một khía cạnh khác của việc học tiếng Anh, còn IELTS là 1 kỳ thi đòi hỏi cao hơn và ứng dụng chuyên sâu hơn cho người học. Chính vì vậy, giao tiếp giỏi thì chưa chắc IELTS cao, và ngược lại.
Trong khoảng từ IELTS 7.0 trở xuống, bạn chỉ cần thông thạo cấu trúc nói và viết như: mệnh đề If, Relative Clause, Wish, Linking words, Although/While, so that SVO = in order to V1, Because…and….so và các câu so sánh. Là đủ kiến thức Grammar để lấy IELTS 7.0. Còn về phát âm hay lưu loát thì bạn cần phải học từ từ và rút kinh nghiệm từ những lỗi sai của mình. Có căn bản hết rồi sau này tăng band dễ lắm.
5- Save the best for last: dành cái hay nhất ở cuối
Hãy học tiếng anh vì “BẠN MUỐN” chứ đừng trong tình thế “BỊ ÉP”.
Có thể bạn học tiếng Ahh vì mục tiêu định cư, hay đơn giản là nghe một bài nhạc tiếng Anh, hay đọc bài báo, hoặc xem phim. Tất cả đều tạo cho bạn một động lực nhất định để tự mình tìm tòi, chủ động trong việc học, điều đó rất tốt cho sự phát triển của bạn. Thật sự là trong mọi vấn đề chứ không chỉ riêng trong việc học tiếng Anh. Đừng để tiếng Anh trở thành một cái gì đó kinh tỏm mà mỗi ngày bạn phải ăn. Khi nào bạn xem việc học tiếng Anh như việc bạn thích nghe bài hát mà bạn thích, lúc đó cảm giác sẽ khác lắm ấy.
Mình hy vọng bài chia sẻ này sẽ giúp bạn tìm ra điều gì đó hữu ích hơn để định hướng việc học tiếng Anh của bạn. Chúc các bạn thành công trên con đường đã chọn.
Nguồn: Biên soạn từ bài viết của Anh Phil Le